Welcome to Menucool.com Welcome to Menucool.com Welcome to Menucool.com Welcome to Menucool.com Welcome to Menucool.com Welcome to Menucool.com
Tin tức  15/7/2021 8:56

Hàm Yên tạo nền tảng xây dựng nông thôn mới bền vững

Tiêu chí thu nhập được coi là nền tảng để xây dựng nông thôn mới thành công, bền vững. Do vậy, để thực hiện tiêu chí này, các xã trên địa bàn huyện Hàm Yên đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp, khai thác tối đa lợi thế của địa phương để nâng cao thu nhập cho người dân, hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đã đề ra.

Xã Thái Sơn phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới năm 2021. Đồng chí Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết, để nâng cao thu nhập, nhiệm vụ trọng tâm của xã là khuyến khích, tạo động lực để người dân mở rộng sản xuất, phát triển các ngành nghề. Xã đã quy hoạch vùng sản xuất tập trung, chuyên canh như vùng trồng cam 126 ha, vùng chè 60 ha, trong đó trên 20 ha thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP; vùng sản xuất rau hữu cơ; vùng trồng cây dược liệu khoảng 15 ha trồng sâm Bố Chính, Cát Chi, lá Côi... giúp người dân đầu tư chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích canh tác. Cùng với đó, xã đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX), kinh tế trang trại. Hiện xã có 7 hợp tác xã và 11 trang trại hoạt động trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, tổng hợp, tạo ra sản phẩm hàng hóa, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Điển hình như HTX Chăn nuôi - Kinh doanh thịt trâu, bò sạch Hàm Yên của anh Trương Minh Tâm, thành lập năm 2019. Ngay sau khi thành lập, HTX được huyện hỗ trợ 60 con trâu, 51 con bò từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới cho các thành viên. Từ động lực này, HTX không ngừng mở rộng quy mô chăn nuôi, hiện có tổng đàn trên 200 con trâu, bò, tạo việc làm ổn định cho 20 xã viên.
 


Vườn thanh long ruột đỏ của anh Hoàng Văn Len, thôn 1 Minh Thái, xã Thái Sơn (Hàm Yên) thu trên 150 triệu đồng/năm.

HTX Chè xanh Thái Sơn nằm trong vùng trọng điểm được huyện Hàm Yên quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu. Trong mấy năm qua, cùng với việc mở rộng diện tích, xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, từng bước thay thế những diện tích chè cũ kém hiệu quả sang trồng bằng những giống chè mới có ưu điểm vượt trội về năng suất, sản lượng. Từ việc chú trọng chuyển đổi cơ cấu giống, nhiều diện tích chè đã đạt năng suất từ 150 - 170 tạ/ha. Tới đây, chè sẽ được xã lựa chọn xây dựng sản phẩm OCOP, nhằm quảng bá, nâng cao giá trị của cây chè Thái Sơn.

Từ những mô hình này góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Thái Sơn. Đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 5,29%; số lao động có việc làm thường xuyên đạt 90%; phấn đấu đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 40 triệu đồng/người/năm. Kết quả này giúp Thái Sơn có nền tảng vững chắc về đích nông thôn mới năm 2021 và là tiền đề để xã đạt đô thị loại V vào năm 2025.

Thu nhập của người dân ổn định, ngày càng nâng cao là tiền đề vững chắc để xây dựng nông thôn mới bền vững đang được các xã trên địa bàn huyện Hàm Yên triển khai hiệu quả. Đồng chí Đinh Hồng Phi, Chủ tịch UBND xã Nhân Mục khẳng định, ngay từ khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã xác định tiêu chí thu nhập là tiêu chí quan trọng nhất, là tiền đề để thực hiện các tiêu chí khác. Vậy nên, việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được xã chú trọng. Đồng thời, chủ động lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ để đầu tư phát triển sản xuất, điển hình như các dự án hỗ trợ người dân đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng cá thịt; đầu tư giống chè chất lượng cao; hỗ trợ con giống chăn nuôi gà, dê, trâu, bò… Hết năm 2020, thu nhập bình quân của xã đạt gần 30,22 triệu đồng/người/năm. Xã đã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021.
 


Giám đốc HTX Chăn nuôi - Kinh doanh thịt trâu, bò sạch Hàm Yên, xã Thái Sơn (Hàm Yên)
trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi trâu vỗ béo với các thành viên. Ảnh: K.T

Vườn thanh long ruột đỏ của ông Trần Quang Bắc, thôn Đồng Vịnh, xã Nhân Mục mỗi năm cho thu 200 triệu đồng. Ông Bắc cho biết, năm 2013 gia đình ông bắt đầu trồng 100 gốc thanh long ruột đỏ, nhờ tuân thủ đúng kỹ thuật nên sau một năm vườn thanh long của ông bắt đầu cho bói những lứa quả đầu tiên. Để có thêm kiến thức trồng và chăm sóc thanh long, ông tìm tòi, nghiên cứu tài liệu qua sách báo trên mạng và đi thực tế, học hỏi những kinh nghiệm của các nhà vườn khác. Sau 2 năm, ông phát triển lên 800 gốc thanh long. Năm nay thanh long có giá bán 17 nghìn đồng - 20 nghìn đồng/kg, tuy thấp hơn năm ngoái 7 nghìn đồng nhưng vẫn là nguồn thu ổn định, giúp những nông dân như ông có của ăn, của để.

Theo UBND huyện Hàm Yên, đến nay huyện có 9/17 xã đạt tiêu chí thu nhập. Nâng cao thu nhập cho người dân, đạt mục tiêu huyện nông thôn mới 2025 đang là thách thức không nhỏ đối với huyện. Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên cho biết, huyện  Hàm Yên đề ra các nhóm giải pháp cụ thể thực hiện hiệu quả khâu đột phá về nông nghiệp hàng hóa bằng việc ban hành các chính sách hỗ trợ về hạ tầng, quy hoạch đất đai, xúc tiến thương mại… giúp bà con nông dân thuận lợi hơn trong sản xuất. Huyện duy trì, nâng cao thâm canh ổn định cây cam sành với 7.269 ha trên địa bàn 13 xã, thị trấn; thâm canh chuyên sâu cây chè với 2.133 ha… Ngoài cây trồng chủ lực trên, các xã, thị trấn đã vận dụng linh hoạt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương để sản xuất hàng hóa cho thu nhập cao hơn trồng ngô, lúa, như chanh tứ mùa, bưởi, táo, thanh long, hoa cảnh, rau hàng hóa. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh phát triển HTX  Chăn nuôi bò, vịt bầu Minh Hương; nâng cao giá trị gỗ rừng trồng gắn với chế biến lâm sản...

Cùng với sản xuất nông nghiệp, huyện khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực thương mại, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn. Đến nay, huyện đã thu hút được một số dự án  lớn như dự án sản xuất giày dép xuất khẩu, nhà máy thủy điện, nhà máy sản xuất gạch, nhà máy chế biến gỗ… tạo việc làm cho trên 2.000 lao động.

Từ những giải pháp đồng bộ, cụ thể, đến hết năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 31,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2015 là 33,44%, hết năm 2020 giảm còn 12,04%. Kết quả này là tiền đề để huyện Hàm Yên bứt phá, đạt huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh vào năm 2025.
Theo TQĐT

Lượt xem: 64

Tin mới nhất:

  • Hỗ trợ trực tuyến

  • Hỗ trợ kỹ thuật

  • Hotline

    Kinh doanh:0915212126
    Kỹ thuật      :0987320203
    Hỗ trợ PM  :0947149777

Chưa có video

Số lượt truy cập: 843772- Đang online : 109