Welcome to Menucool.com Welcome to Menucool.com Welcome to Menucool.com Welcome to Menucool.com Welcome to Menucool.com Welcome to Menucool.com
Sản phẩm 
4/6/2021 10:12

Tầm nhìn thời đại của Bác Hồ trong việc lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc

Cách đây 110 năm tại bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Với khát vọng giải phóng dân tộ, cùng thiên tài trí tuệ, ý chí quyết tâm, nhãn quan chính trị và tầm nhìn sâu sắc, Người đã sáng suốt lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, hình thành đường lối cách mạng soi đường cho Đảng và nhân dân ta đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược và đặt ách cai trị lên nước Việt Nam, biến nước ta từ một quốc gia độc lập trở thành nước thuộc địa nửa phong kiến. Không cam chịu thân phận nô lệ, nhân dân ta đã đứng lên đấu tranh chống đế quốc, phong kiến để giành lại độc lập. Các giai cấp tầng lớp trong xã hội đều lần lượt bước lên vũ đài chính trị để khẳng định vai trò lãnh đạo, tiêu biểu là các phong trào: Cần Vương, Nông dân Yên Thế, Duy Tân, Đông Du, Đông kinh Nghĩa Thục… nhưng kết quả đều thất bại. Cách mạng Việt Nam lâm vào khủng hoảng về đường lối cứu nước và giai cấp lãnh đạo.

Sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than nô lệ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành sớm đã nung nấu quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Tuy nhiên, cứu nước bằng con đường nào vẫn là một câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Người rất khâm phục ý chí đấu tranh giành độc lập dân tộc của các bậc tiền bối, nhưng không tán thành đường lối cứu nước của họ. Mặc dù lúc đó Nguyễn Tất Thành chưa gặp được chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng Người đã thể hiện tầm vóc vượt trước quan điểm cứu nước của các trí sĩ yêu nước đương thời. Từ sự phân tích, đánh giá thực tiễn các phong trào đấu tranh trong nước Người cho rằng, chủ trương của cụ Phan Chu Trinh yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương chẳng khác gì “đến xin giặc rủ lòng thương”; chủ trương của cụ Phan Bội Châu nhờ Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp chẳng khác nào “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”, con đường đấu tranh của cụ Hoàng Hoa Thám tuy thực tế hơn, nhưng không có hướng thoát rõ ràng, “còn mang nặng cốt cách phong kiến”. Sự bế tắc trong con đường cứu nước lúc đó chủ yếu là chưa quy tụ được sức mạnh của toàn dân, chưa có một giai cấp tiên tiến với hệ tư tưởng tiến bộ lãnh đạo và không định hình được mô hình xã hội tương lai, một xã hội mà mọi quyền lợi đều thuộc về nhân dân lao động.

Ở khía cạnh khác, với tư duy độc lập và trí tuệ tuyệt vời, Nguyễn Tất Thành nhận ra một chân lý là có hiểu rõ kẻ thù thì mới đánh bại được kẻ thù. Người nhìn thấy mâu thuẫn trong khẩu hiệu mà thực dân Pháp vẫn rêu rao, “cái gì ẩn dấu sau” khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái”, tại sao nước Pháp tự xưng là một nước văn minh lại đi xâm lược, cướp bóc, giết người, chà đạp lên quyền lợi, sự tự do, độc lập của các dân tộc khác. Do đó, khi ra đi tìm đường cứu nước Người cho rằng phải“xem nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”.
 


Tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvin (L’Admiral Latouche Trévill), nơi Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp
khi rời Tổ quốc đi tìm đường cứu nước (6/1911)

Ngày 5 tháng 6 năm 1911, trên con tàu “Đô đốc Latouche Tréville”, từ bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên đường sang Pháp, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Cách đi tìm đường cứu nước của Nguyễn Tất Thành cũng rất đặc biệt. Người sẵn sàng làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động, từ việc phụ bếp dưới tàu, làm bánh trong các khách sạn, cào tuyết, đốt lò, chụp ảnh... Điều đó không chỉ thể hiện ý chí quyết tâm mà còn giúp cho Người thấu hiểu cuộc sống của người dân lao động nghèo khổ, có thêm nhận thức thực tiễn, góc nhìn biện chứng, khoa học về bản chất của chủ nghĩa tư bản, sức mạnh của quần chúng lao động để đánh giá và lựa chọn con đường cứu nước phù hợp cho cách mạng Việt Nam. Với trí tuệ mẫn tiệp, óc quan sát, đánh giá thực tiễn, Nguyễn Tất Thành đã suy nghĩ, tìm tòi hướng đi, cách đi và lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn.

Tháng 7 năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản “Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lê-nin và tìm thấy con đường cứu nước cho cách mạng Việt Nam. Hy vọng và sự tin tưởng về một tương lai tươi sáng, sau này Người kể lại: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[1]. Ở nước Pháp lúc đó có rất nhiều người Việt Nam yêu nước đã được tiếp cận với Luận cương của Lênin, nhưng duy nhất chỉ có Nguyễn Ái Quốc tìm thấy ở đây con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Với tầm nhìn và trí tuệ kiệt xuất, Người đã nhìn thấy con đường giải phóng dân tộc Việt Nam trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, mối liên hệ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản, giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp và cao hơn là giải phóng con người. Điều đó không phải ngẫu nhiên mà phải từ sự đúc kết trong suốt hành trình tìm đường cứu nước. Trải qua cuộc sống lao động vất vả, gian nan của người lao động nghèo khổ, chứng kiến cảnh những người lao động bị chà đạp, Người đã rút ra kết luận quan trọng “Vậy là dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: Giống người bóc lột và giống người bị bóc lột, mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản"[2]. Đồng thời qua khảo nghiệm thực tế các cuộc cách mạng tư sản, Người phân tích và chỉ ra những hạn chế đó là “cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa” [3]. Vì vậy khi tiếp cận chủ nghĩa Mác - Lênin Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng nhận ra đây là con đường cứu nước đúng đắn. Sau này Người khẳng định "muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản"[4]

Tháng 12/1920 Nguyễn Ái Quốc bỏ phiếu tán thành Quốc tế Cộng sản và tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, đánh dấu bước chuyển biến nhảy vọt, từ lập trường chính trị của một nhà yêu nước trở thành một chiến sĩ cộng sản. Lý do để Nguyễn Ái Quốc quyết định ủng hộ việc gia nhập Quốc tế 3 là vì Quốc tế cộng sản đã quan tâm đến cách mạng giải phóng của các dân tộc thuộc địa. Người đã nói rõ điều đó khi trả lời đồng chí Rôdơ câu hỏi vì sao lại bỏ phiếu cho Quốc tế cộng sản: “Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật vô sản và những điều khác. Nhưng tôi hiểu rõ một điều Đệ tam Quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Đệ tam Quốc tế nói sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập của họ. Còn Đệ nhị quốc tế không hề nhắc đến vận mạng của các thuộc địa. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành Đệ tam quốc tế. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu” [5]. Điều đó thể hiện ý chí quyết tâm, sự kiên định cho mục tiêu cuối cùng của Người là giải phóng dân tộc. Đồng thời cũng thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn và sự linh hoạt khi lấy cái “bất biến” là tự do cho nhân dân, độc lập cho Tổ quốc để xử lý những vấn đề “vạn biến” là những đường lối của Quốc tế 3 đề ra mà Người chưa có điều kiện để nghiên cứu và hiểu rõ.

110 năm đã trôi qua kể từ ngày người thanh niên Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Đến nay con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Người lựa chọn tiếp tục được Đảng ta kiên định thực hiện. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, về quan điểm chỉ đạo Đảng ta luôn nhất quán “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[6]. Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình kết hợp với lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”. Đó là sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh, là niềm tin vững chắc về sự tất yếu thành công của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã và đang đi theo con đường Bác Hồ đã lựa chọn, với ý chí kiên định và khát vọng vươn tới để đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Theo tuyenquang.gov.vn

Lượt xem: 329

Tin mới nhất:

  • Hỗ trợ trực tuyến

  • Hỗ trợ kỹ thuật

  • Hotline

    Kinh doanh:0915212126
    Kỹ thuật      :0987320203
    Hỗ trợ PM  :0947149777

Chưa có video

Số lượt truy cập: 844021- Đang online : 135